Làm sao để đối mặt với thực trạng trẻ em béo phì tăng nhanh tại Việt Nam?
Trẻ em béo phì là thực trạng vô cùng đáng báo động tại Việt Nam những năm gần đây. Nếu như trước đây, tỷ lệ thừa cân béo phì luôn ở mức thấp thì hiện nay lại gia tăng nhanh chóng, đặc biệt tại các đô thị và các thành phố lớn, nhiều căn bệnh mạn tính vì thế cũng gia tăng một cách chóng mặt.
1. Thực trạng tỷ lệ trẻ em béo phì hiện nay tại Việt Nam
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị thừa cân trong năm 2016. Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Theo kết quả của Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% lên thành 19,0% trong vòng 10 năm (2010 - 2020). Chỉ riêng năm 2020, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì khu vực thành thị đã đạt ngưỡng 26,8% trong khi nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9% theo thống kê của Bộ Y tế. Trước đó, Viện dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ trẻ em béo phì này tại 2 thành phố lớn TP. HCM và Hà Nội lần lượt vượt trên 50% và 41%.
Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội dao động từ 45,5% đến 55,7%, các huyện ngoại thành là từ 20,9% đến 31,1% chỉ trong năm 2023.
2. Nguyên nhân dẫn tới việc trẻ em béo phì gia tăng nhanh chóng
Tâm lý phổ biến của nhiều phụ huynh Việt Nam là quan niệm con luôn phải "có da có thịt" nhìn mới có sức sống, ông bà lúc nào cũng muốn cháu ăn thật nhiều thì mới khỏe mạnh và phát triển tốt hơn. Ngược lại, khi trẻ có vóc dáng hơi gầy sẽ lo ngại về việc trẻ có thể gặp vấn đề về sức khỏe rồi cố gắng bồi bổ bằng thuốc nam, thực phẩm bổ sung, sữa cho người gầy để trẻ trở nên “có da có thịt” hơn. Tuy nhiên, quan niệm này có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn trong quá trình chăm sóc sức khỏe và phát triển của trẻ.
Quan niệm "có da có thịt" có thể khiến cho phụ huynh chủ quan khi đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ khi chỉ dựa trên ngoại hình bề ngoài mà không xem xét sâu hơn về chất lượng, chế độ dinh dưỡng và mức độ hoạt động của trẻ. Có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân hoặc đánh giá thấp hơn một mức so với thực tế theo điều tra của Viện Dinh dưỡng. Việc cha mẹ chỉ đưa con đến khám khi trẻ đau chân, đau xương hay lo lắng về vấn đề chiều cao là thực trạng đáng buồn hiện nay khi phụ huynh chỉ chú ý đến sức khỏe của trẻ khi xuất hiện vấn đề, chứ không phải hành động phòng ngừa hoặc duy trì một chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh từ trước.
3. Nên làm gì để giảm tình trạng trẻ em béo phì hiện nay?
Rất nhiều báo cáo đã cho thấy rằng thừa cân ở trẻ mang đến nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, không những thế, chúng còn ảnh hưởng đến quá trình dậy thì và phát triển của trẻ. Ba mẹ không nên vì những định kiến xưa cũ và chưa tìm hiểu kỹ trọng lượng cần thiết ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ mà có những chế độ ăn uống chưa phù hợp. Để duy trì trạng thái sức khỏe tốt, việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng một cách hợp lý là điều vô cùng cần thiết.
Để cải thiện tình trạng béo phì ở trẻ, ba mẹ cần kết hợp một chế độ dinh dưỡng khoa học đi cùng các bài tập rèn luyện thể chất.
Về chế độ dinh dưỡng, trẻ cần được khuyến khích ăn cân đối các nhóm thực phẩm bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất đạm và protein. Đồng thời, hạn chế thực phẩm chứa đường và chất béo bão hòa. Khi ăn chung cùng gia đình, không nên ép buộc trẻ ăn quá mức. Hãy giáo dục trẻ và truyền tải các kiến thức về giá trị dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn với người thân trong gia đình, giúp tạo ra một môi trường tích cực, đúng đắn xung quanh việc ăn uống.
Bên cạnh đó, tăng cường vận động là hoạt động quan trọng giúp thúc đẩy quá trình đốt cháy calo, duy trì cân nặng và tăng tính linh hoạt cho trẻ. Ba mẹ có thể cho trẻ tham gia các hoạt động như chơi thể thao, đạp xe, leo núi, bơi lội, võ hay ba môn phối hợp,... Điều này còn giúp giảm thời gian trẻ sử dụng các thiết bị di động nói riêng và các thiết bị điện tử nói chung.
Ngoài ra, việc đồng hành trong các khía cạnh tâm lý cũng giữ cho trẻ một tinh thần lạc quan trên hành trình giảm cân. Đặc biệt, hãy đảm bảo sức khỏe của trẻ được theo dõi thường xuyên và tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ nếu cần thiết.
Medda- Sức khỏe trong tầm tay Cung cấp giải pháp số giúp việc kết nối giữa bệnh nhân và chuyên gia, bác sĩ dễ dàng hơn bao giờ hết. Với mục tiêu cung cấp dịch vụ xóa bỏ mọi rào cản về khoảng cách địa lý, giúp người dân ở mọi vùng miền có thể tiếp cận được dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tốt nhất, hiện đại nhất. Medda tự tin góp phần tiết kiệm 50% thời gian và chi phí với chất lượng tương đương so với việc khám chữa bệnh truyền thống. Hotline: 0853 999 115 |