Bệnh rối loạn tiêu hóa - nỗi lo ngày Tết
Mỗi khi tết đến xuân về là dịp mà mọi người cùng nhau sum vầy, quây quần bên những mâm cỗ chay, cỗ mặn và cả những mâm cỗ ngọt. Cũng vì thế mà bệnh rối loạn tiêu hóa cũng trở thành nỗi lo của nhiều người. Hãy cùng Medda tìm hiểu về rối loạn tiêu hóa - nỗi lo ngày Tết trong bài viết dưới đây!
1. Nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn tiêu hóa
Trong các bữa ăn ngày Tết không thể thiếu các món thịt kho, các loại bánh: bánh chưng, bánh tét,... đa phần nguyên liệu chính của món này đều có hàm lượng chất đạm, chất béo, bột đường, thiếu đi nhóm vitamin do ăn quá ít rau và hoa quả, có khi còn xen thêm vị chua cay của dưa, hành muối. Theo các chuyên gia tiêu hóa, khi dạ dày bị nhồi nhét thức ăn quá nhiều sẽ gây áp lực lên cơ thắt thực quản dưới, khiến cơ không co được hoàn toàn dẫn đến trào ngược dạ dày, đầy hơi. Điều này làm chậm toàn bộ quá trình tiêu hóa, gây khó tiêu, đau bụng và táo bón, gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì là suy nhược cơ thể, tiêu chảy.
2. Những mẹo phòng tránh bệnh rối loạn tiêu hóa
2.1. Bổ sung rau xanh trong thực đơn
Ngoài các món ăn truyền thống trong bữa tiệc Tết, việc bổ sung rau xanh và trái cây tươi là việc vô cùng cần thiết giúp cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn. Đây là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ tốt hệ tiêu hóa.
Rau xanh và trái cây tươi là một phần quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh, mang lại nhiều chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Rau còn giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ phòng chống các bệnh mạn tính đồng thời giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, mỗi người nên ăn từ 480g đến 560g rau quả mỗi ngày (tương đương từ 6-7 đơn vị rau quả, mỗi đơn vị là 80g rau quả sạch, chưa chế biến, không tính phần thải bỏ như vỏ, hạt...); trong đó, lượng rau tiêu thụ nên là từ 240g đến 320g mỗi ngày và lượng quả chín tiêu thụ nên là 240g mỗi ngày.
2.2. Hạn chế tiêu thụ các thức ăn chứa quá nhiều dầu mỡ
Các món ăn chứa nhiều dầu mỡ có thể gây cảm giác no, nặng nề và khó tiêu hóa, đồng thời dẫn đến sự mệt mỏi kéo dài sau khi ăn trong nhiều giờ. Do đó, trong dịp Tết, ta cần chú ý giảm tối đa việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là các món được chế biến với nhiều dầu mỡ và thức ăn chiên nhiều lần.
2.3. Không nên sử dụng thực phẩm để quá lâu trong tủ lạnh
Trước tết, nhiều bậc phụ huynh thường có tâm lý mua, tích trữ lượng lớn lương thực, thực phẩm. Nhiều người tin rằng việc lưu trữ thực phẩm vào tủ lạnh là có thể sử dụng lâu dài. Trên thực tế, nhiệt độ bên trong tủ lạnh chỉ có thể làm vi khuẩn ngừng hoặc ức chế tần suất hoạt động mà không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn. Bên cạnh đó, nếu thực phẩm không được bảo quản đúng cách, hay lưu giữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, đặc biệt là việc để chung thực phẩm sống thực phẩm chín có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
2.4. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm tái, chín
Nhiều món ăn chưa được nấu chín như tiết canh, thịt tái, nem chua, nem chạo, các loại gỏi, hàu sống tuy sẽ mang đến cảm giác ngon miệng nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại đường tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc thực phẩm. Một số vi khuẩn cần được tiêu diệt ở nhiệt độ cao thay vì ở nhiệt độ phòng thông thường.
2.5. Không nên sử dụng các chất kích thích
Sử dụng quá mức các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc, nước ngọt có ga trong những ngày Tết có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày - thực quản, hội chứng ruột kích thích.
Để tránh rối loạn tiêu hóa, bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có chất kích thích. Đặc biệt, những người đã có triệu chứng về ruột, dạ dày như viêm loét, đau dạ dày,... nên tránh xa các đồ uống có ga vì chúng có thể gây ra tình trạng đầy hơi. Đường và chất tạo ngọt vốn có trong nước ngọt có thể làm mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
2.6. Ăn uống đúng giờ ngày tết
Trong những ngày Tết, lịch ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt dường như sẽ bị đảo lộn rất nhiều. Nhiều người có thói quen ăn nhậu đến tối muộn, nhiều người thường thức khuya, dậy muộn, thậm chí bỏ qua bữa sáng. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra rối loạn tiêu hóa trong những ngày Tết.
Bạn cần cố gắng duy trì lịch trình sinh hoạt và ăn uống gần giống như trong những ngày thông thường để “đồng hồ sinh hoạt” của bản thân không bị đảo ngược, luôn được ổn định, tránh làm đảo lộn các quy trình hoạt động của hệ tiêu hóa.
Nguồn: Y tế phường 9
Medda- Sức khỏe trong tầm tay Cung cấp giải pháp số giúp việc kết nối giữa bệnh nhân và chuyên gia, bác sĩ dễ dàng hơn bao giờ hết. Với mục tiêu cung cấp dịch vụ xóa bỏ mọi rào cản về khoảng cách địa lý, giúp người dân ở mọi vùng miền có thể tiếp cận được dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tốt nhất, hiện đại nhất. Medda tự tin góp phần tiết kiệm 50% thời gian và chi phí với chất lượng tương đương so với việc khám chữa bệnh truyền thống. Hotline: 0853 999 115 |