Những bệnh thường gặp khi thời tiết nồm ẩm
Miền Bắc đang bước vào những ngày thời tiết nồm ẩm kèm theo không khí lạnh. Thời tiết nồm ẩm chính là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn, vi rút, là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Cùng Medda điểm lại những bệnh thường gặp khi thời tiết nồm ẩm qua bài viết dưới đây nhé!
1. Bệnh đường hô hấp
Thời tiết nồm ẩm thường tạo ra môi trường lý tưởng cho sự phát triển và lây lan của các loại vi khuẩn, nấm mốc và virus. Đi kèm theo đó là nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe đường hô hấp. Độ ẩm cao là môi trường sống phổ biến cho vi khuẩn và virus, giúp chúng tồn tại lâu hơn trong không khí và trên các bề mặt. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của nấm mốc trong điều kiện ẩm cũng đóng một vai trò quan trọng khiến không khí nhiễm, phấn nấm mốc có thể gây kích thích hệ thống hô hấp. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề như viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản và thậm chí cả viêm phổi, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh lý hoặc có hệ miễn dịch yếu. Do đó, duy trì môi trường khô ráo và sạch sẽ, kèm theo việc thực hiện các biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể và hạn chế tiếp xúc với người bệnh là quan trọng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hô hấp trong điều kiện thời tiết ẩm ướt.
2. Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu và thời tiết nồm ẩm thường có mối liên quan mật thiết với nhau. Bệnh được gây ra bởi một loại virus gọi là virus varicella-zoster, vô cùng phổ biến ở trẻ em và người lớn nếu họ chưa từng mắc bệnh.
Virus varicella-zoster lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với chất nhầy từ nốt phát ban của người nhiễm bệnh. Môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus tồn tại. Tuy bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến các biến chứng như lở loét da nghiêm trọng, hoại tử, viêm tai nếu mụn nước mọc trong tai, viêm thanh quản nếu mụn nước xuất hiện trong niêm mạc miệng, thậm chí viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết,... nếu không được điều trị đúng cách.
3. Bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến đặc biệt ở trẻ nhỏ, được truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Mặc dù ban đầu có thể có triệu chứng nhẹ, nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phế quản và thậm chí có thể dẫn đến tình trạng tử vong. Dịch sởi thường bùng phát mạnh mẽ vào những ngày thời tiết ẩm ướt. Việc hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, giữ vệ sinh cá nhân và quan trọng nhất là tiêm vắc xin sởi là những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
4. Bệnh đau mắt đỏ
Nhiều người thường lầm tưởng rằng nhìn vào người bị đau mắt đỏ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm. Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng mô trong suốt lót bề mặt bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt bị viêm đỏ. Người bệnh có thể bị đau mắt đỏ ở một hoặc cả hai mắt do virus, vi khuẩn, chất gây dị ứng và nhiều nguyên nhân khác gây ra. Bệnh lây lan qua nước bọt, đường hô hấp bởi vậy nên khi không khí có độ ẩm cao, nhất là trong thời điểm giao mùa sẽ là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Tuy nhiên, nếu bỏ qua hoặc điều trị không đúng phương pháp, bệnh có thể phức tạp thành viêm mắt, loét giác mạc, gây ra tình trạng khó điều trị hơn. Khi xuất hiện triệu chứng đau mắt đỏ, quan trọng nhất là nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, nhằm ngăn chặn bệnh từ việc phát triển thành các biến chứng nguy hiểm và kéo dài thời gian điều trị.
5. Bệnh viêm nhiễm vùng kín
Không khí ẩm ướt làm cho quần áo giữ ẩm và dễ bị mốc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sinh sôi của nấm mốc. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe ở khu vực nhạy cảm như vùng kín, bao gồm cả tình trạng ngứa ngáy và viêm nhiễm. Ngoài ra, không khí ẩm là điều kiện lý tưởng cho sự lây lan và phát triển của các loại vi khuẩn, gây ra các vấn đề sức khỏe như viêm da và dị ứng da.
Trên đây là các bệnh thường gặp khi thời tiết nồm ẩm. Để phòng bệnh, bạn nên giữ gìn vệ sinh môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ. Có thể sử dụng máy hút ẩm và điều hòa nhiệt độ để kiểm soát độ ẩm, đảm bảo chế độ ăn uống cân đối và đủ dinh dưỡng, duy trì thói quen tập luyện thể dục để giữ cho mình và người thân có thể trạng luôn khỏe mạnh.
Nguồn: Theo Sở Y tế Lạng Sơn