Bệnh trào ngược dạ dày: Bí quyết phòng tránh và chữa trị hiệu quả

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) ngày càng phổ biến hơn, khi mà con người có nhiều áp lực cùng với thói quen ăn uống không lành mạnh. Trào ngược dạ dày không chỉ gây ra những cảm giác khó chịu như ợ chua, ợ nóng mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

  


1. Trào ngược dạ dày là gì và các dấu hiệu nhận biết


Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) là một dạng rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng tới vòng cơ nằm giữa thực quản và dạ dày. Vòng cơ này, được gọi là cơ vòng thực quản dưới (LES), mở ra để thức ăn đi vào trong dạ dày và đóng lại để ngăn không cho thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản. GERD xảy ra khi LES yếu hoặc co giãn không đúng cách, làm cho thức ăn và dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh trào ngược dạ dày:

  • Ợ nóng: Cảm giác nóng rát trong lồng ngực thường xuất hiện sau khi ăn và xảy ra tồi tệ hơn vào ban đêm. Sự khó chịu sẽ lan ra hướng cổ hoặc cổ họng.

  • Sự trào ngược: Một vị axit chua hoặc đắng trào ngược lên cổ họng hoặc miệng.

  • Khó nuốt: Khó nuốt, cảm giác như thức ăn mắc kẹt trong cổ họng hoặc lồng ngực.

  • Đau ngực: Có thể xảy ra cùng với các triệu chứng ở trên và thường gây nhầm lẫn với cơn đau tim.

  • Buồn nôn: Một số người sẽ gặp phải triệu chứng buồn nôn, mặc dù ít gặp hơn.

  • Đau họng và khàn giọng: Họng bị kích thích có thể dẫn đến đau họng mãn tính hoặc khàn giọng.

  • Ho và vấn đề hô hấp: Có khả năng gây ra ho mãn tính, viêm thanh quản, các triệu chứng giống như hen suyễn hoặc trong trường hợp nặng sẽ dẫn đến tổn thương phổi.

Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn, hãy đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để thăm khám. Từ đó, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của bạn.



2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày


Trào ngược dạ dày xảy ra khi axit dạ dày trào ngược vào thực quản, cấu trúc ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Dưới đây là một số nguyên nhân chi tiết:

2.1. Cơ vòng thực quản dưới (LES) yếu

LES là cơ vòng giữa thực quản và dạ dày, có chức năng ngăn không cho dịch dạ dày trào lên thực quản. Khi LES không đóng chặt hoặc giãn ra bất thường, axit gây ra trào ngược lên.

2.2. Tăng áp lực trong bụng

Béo phì, thừa cân, mang thai hoặc mặc quần áo quá chật sẽ gây ra áp lực ở bụng và đẩy dịch dạ dày lên thực quản.

2.3. Chế độ ăn

Thực phẩm cay nóng, chứa axit, caffein, đồ uống có ga có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới và tăng tiết axit dạ dày. Ăn quá no hoặc nằm xuống ngay sau khi ăn làm tăng nguy cơ trào ngược.

2.4. Hút thuốc lá

Nicotin từ thuốc lá làm giảm sức co của cơ vòng dưới thực quản. Khiến cho nó không thể hoạt động một cách tối ưu trong việc co thắt và gây ra sự trào ngược.

2.5. Sử dụng một số loại thuốc

Các loại thuốc như anti-inflammatories không steroid (NSAIDs), thuốc chẹn beta, thuốc chẹn canxi, thuốc chống trầm cảm và thuốc giảm kích ứng có thể gây giãn cơ vòng thực quản dưới hoặc tác động tiêu cực đến hoạt động của dạ dày.

2.6. Chế độ ngủ

Việc nằm xuống ngay sau khi ăn có khả năng làm tăng lượng axit trong dạ dày, gây ra tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Cụ thể, khi axit không được tiết ra đúng lượng cần thiết để tiêu hóa, thức ăn chưa được tiêu hóa sẽ ứ lại trong dạ dày. Kết quả là van ngăn cách giữa dạ dày và thực quản mở ra, đồng thời dịch tiêu hóa và thức ăn từ dạ dày có thể trào ngược lên thực quản.


3. Tác hại bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng mãn tính trong đó axit từ dạ dày di chuyển ngược vào thực quản, gây ra các triệu chứng và đôi khi là tổn thương ở niêm mạc thực quản. Tác hại của bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm: 

  • Viêm thực quản: Sự trào ngược liên tục  gây kích ứng, làm viêm, loét niêm mạc thực quản, gây đau, khó nuốt và cảm giác nóng rát trong ngực. 

  • Hẹp thực quản: Việc viêm lâu dài sẽ dẫn đến sẹo và hẹp thực quản, gây khó khăn trong việc nuốt, có thể cần đến thủ thuật căng nở thực quản hoặc phẫu thuật.

  • Barrett thực quản: Đây là một biến chứng nghiêm trọng, nơi các tế bào trên biểu mô thực quản phía dưới biến đổi thành một loại tế bào khác có khả năng dẫn tới ung thư. Barrett thực quản cũng tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Ngoài ra, nó cũng sẽ gây nên một số bệnh liên quan khác như rối loạn giấc ngủ, sâu răng, viêm lợi do axit trào lên phá hủy men răng hay làm nghiêm trọng hơn các bệnh về hen suyễn, hô hấp,....

 


4. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh trào ngược dạ dày

Để phòng ngừa và điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì việc thay đổi lối sống, quản lý chế độ ăn uống và sử dụng thuốc là điều cần thiết. Các biện pháp này không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn hạn chế nguy cơ phát triển các biến chứng.

4.1. Phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày

- Thay đổi chế độ ăn uống:

  • Tránh thực phẩm gây kích ứng như thức ăn cay nóng, chất béo, cà phê, rượu, sô-cô-la,....

  • Hạn chế thức ăn và đồ uống có axit như nước trái cây họ cam quýt. 

  • Tránh ăn quá no, đặc biệt là vào bữa tối.

- Chế độ sinh hoạt hợp lý:

  • Bỏ hút thuốc lá vì hút thuốc không chỉ làm giảm sản xuất nước bọt, một yếu tố quan trọng trong quá trình trung hòa axit dạ dày mà còn kích thích tăng sản xuất axit gây suy yếu cơ thắt thực quản dưới. Điều này có thể khiến các chất có trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản.

  • Giảm cân khi bị thừa cân hoặc béo phì: Khi cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ thì áp lực trong ổ bụng tăng lên, tác động đến cơ vòng thực quản dưới và gây ra tình trạng trào ngược dạ dày.

  • Tránh nằm xuống sau khi ăn, hãy đợi ít nhất 2-3 giờ bởi nằm ngay sau khi ăn gây khó tiêu và thức ăn trong dạ dày sẽ ép mạnh hơn vào cơ thắt thực quản dưới dẫn đến trào ngược.

  • Kê đầu giường cao 15-20 cm khi ngủ để hạn chế axit trào ngược và nên ngủ nghiêng về bên trái do nằm nghiêng về bên phải sẽ khiến axit chảy vào thực quản dễ dàng hơn.

  • Mặc quần áo rộng rãi xung quanh vùng bụng.


    4.2. Điều trị trào ngược dạ dày

    - Sử dụng thuốc:

    • Antaxit: Như Maalox, Mylanta có thể giúp trung hòa axit dạ dày nhanh chóng.

    • Thuốc ức chế bơm proton (PPIs): Như Omeprazole, Esomeprazole giúp giảm sản xuất axit.

    • Thuốc chẹn H2: Ranitidine hoặc Famotidine giúp giảm lượng axit dạ dày.

    • Prokinetics: Có thể giúp tăng cường chuyển động của thức ăn qua dạ dày.

    - Phẫu thuật:

    Trong trường hợp không phản ứng với điều trị bằng thuốc, các phương pháp phẫu thuật như Nissen fundoplication có thể được khuyến nghị.

    - Thay đổi lối sống:

    • Kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất như yoga, chạy bộ hay tập gym thường xuyên.

    • Giảm stress bằng việc đi dạo, học cách hít thở, hay ngồi thiền,...

    Để giảm nguy cơ mắc phải bệnh trào ngược dạ dày, hãy giảm thiểu tối đa các thói quen không tốt mà bài viết đã nêu ở trên và duy trì trọng lượng cơ thể ở ổn định bằng các tập thể dục, gym, yoga,....Tuy nhiên, nếu các triệu chứng vẫn kéo dài, hãy đến ngay các trung tâm y tế để được thăm khám và điều trị một cách tốt nhất.


    Medda- Sức khỏe trong tầm tay

    Cung cấp giải pháp số giúp việc kết nối giữa bệnh nhân và chuyên gia, bác sĩ dễ dàng hơn bao giờ hết. Với mục tiêu cung cấp dịch vụ xóa bỏ mọi rào cản về khoảng cách địa lý, giúp người dân ở mọi vùng miền có thể tiếp cận được dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tốt nhất, hiện đại nhất. Medda tự tin góp phần tiết kiệm 50% thời gian và chi phí với chất lượng tương đương so với việc khám chữa bệnh truyền thống.

    Hotline: 0853 999 115

    Nguồn: 

    https://soyte.ninhbinh.gov.vn/y-hoc-co-truyen/trao-nguoc-da-day-cac-nguyen-nhan-gay-benh-va-cach-phong-ngua-276535



    Tác giả