Nhìn lại thực trạng thừa cân béo phì của người dân Việt Nam

Thừa cân béo phì là thực trạng vô cùng đáng báo động tại Việt Nam khi tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng tăng cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, béo phì được coi là bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài nếu không sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe.



1. Thực trạng thừa cân béo phì tại Việt Nam


Có thể nói tỷ lệ mắc béo phì tại Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á không cao nhưng lại có mức độ tăng trưởng chóng mặt lên tới 38%, tăng đột biến lên từ 2,6% lên đến 3,6% chỉ trong 4 năm từ 2010-2014, con số này được xem là rất cao so với mức tăng trung bình từ 10-20% ở các quốc gia lân cận. Tỷ lệ thừa cân béo phì tại hai thành phố lớn bao gồm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được thống kê năm 2021 chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.


Đáng báo động hơn là tình trạng béo phì ở trẻ em độ tuổi đi học tăng gấp 2,2 lần chỉ trong 10 năm, tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Đặc biệt tại các thành phố lớn, con số này cao hơn rất nhiều với 26%, nông thôn chiếm 18,3% và miền núi chỉ chiếm 6,9%.


>>>>> Xem thêm: Tỷ lệ trẻ em béo phì tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng 


2. Những yếu tố gây nên tình trạng thừa cân béo phì hiện nay


Có nhiều yếu tố gây ra tăng trưởng nhanh chóng của tình trạng béo phì ở Việt Nam bao gồm lối sống, chế độ ăn uống và thiếu hoạt động thể chất.


2.1 Chưa có chế độ ăn phù hợp


Ăn uống chính là lý do phổ biến nhất gây ra tình trạng thừa cân béo phì ngày nay. Cách chúng ta lựa chọn và tiêu thụ thức ăn hàng ngày đặc biệt quan trọng. Nếu luôn duy trì một chế độ ăn có hàm lượng kcal cao, thực phẩm giàu chất béo, nhiều đường hoặc muối cũng như sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ uống có gas, cơ thể sẽ bị tích tụ năng lượng dư thừa, lâu ngày dẫn đến tình trạng béo phì. Bởi, hầu hết những thực phẩm này đều dư thừa một lượng đường, chất béo trong khi chất khoáng và vitamin chiếm tỉ trọng vô cùng ít.


Để ngăn chặn và quản lý tình trạng này, việc có một chế độ ăn uống cân đối, giàu chất xơ và đa dạng dinh dưỡng, giảm thiểu tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn và thực phẩm có nhiều chất béo, đường cũng như giảm sử dụng đồ uống có ga sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân nặng và sức khỏe.




2.2 Béo phì do lười hoạt động


Hàng ngày, cơ thể luôn cần dung nạp một lượng thức ăn để tạo ra năng lượng, phục vụ quá trình trao đổi chất. Đặc biệt trong thời buổi hiện nay, số lượng người làm văn phòng mắc bệnh thừa cân béo phì đang tăng lên nhanh chóng khi thường xuyên phải ngồi nhiều trước màn hình máy tính mà ít vận động thường xuyên.


Khi cơ thể tiêu thụ ít năng lượng hơn lượng thức ăn được nạp vào, lượng mỡ sẽ bị tích tụ trong cơ thể, dẫn đến tình trạng béo phì. Bạn nên tránh nằm ngay sau khi ăn, tránh ăn khuya và tăng cường các hoạt động thể chất hàng ngày.


Vận động cơ thể đều đặn không chỉ giúp duy trì sự cân bằng giữa lượng calo tiêu thụ và lượng calo đốt cháy mà còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát đường huyết và cải thiện tâm lý. Do đó, việc duy trì một lối sống hoạt động với bài tập thể dục đều đặn là quan trọng để ngăn chặn tình trạng thừa cân và cải thiện sức khỏe tổng thể.


2.3 Béo phì do gen di truyền


Béo phì thường có nguyên nhân từ môi trường và sinh hoạt sống hàng ngày, tuy nhiên, béo phì do gen di truyền cũng là một trong những yếu tố không thể không nhắc đến. Một nghiên cứu cho thấy, với một số người, di truyền chiếm 20% trong khuynh hướng thừa cân, trong khi với một số người khác, di truyền lại ảnh hưởng cao từ 70% tới 80%.


Ngày nay, các bác sĩ đã xác định được hơn 400 mã gen khác nhau có liên quan tới thừa cân và béo phì. Người có mã gen này thường ảnh hưởng đến khẩu vị, cảm giác no, quá trình chuyển hoá, cảm giác thèm ăn, sự phân phối tỷ lệ mỡ trong cơ thể và có khuynh hướng ăn để giải tỏa căng thẳng.




2.4 Béo phì do rối loạn chuyển hóa


Rối loạn chuyển hoá thường là kết quả của quá trình tích mỡ vùng bụng, béo bụng, tích mỡ quanh nội tạng, giảm chuyển hóa glucose, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp. Thông thường mỡ nội tạng tiết ra một loạt các chất có hoạt tính sinh học gọi là các adipocytokine, bao gồm leptin, resistin, yếu tố hoại tử u α (TNFα), interleukin-6 (IL-6) và angiotensin II. Các adipocytokine này có thể gây ra tình trạng đề kháng insulin, một tình trạng trong đó cơ thể không đáp ứng bình thường với insulin.


Trong khi đó, adiponectin là một adipocytokine quan trọng có tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh mãn tính, bao gồm đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, viêm, xơ vữa động mạch và bệnh mạch máu. Tuy nhiên, adiponectin thường bị giảm ở những người có tích tụ mỡ nội tạng. Điều này có thể là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến hội chứng chuyển hóa.


Để giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính này, những người béo phì nên giảm cân, đặc biệt là giảm lượng mỡ nội tạng.


2.5 Béo phì do thường xuyên căng thẳng


Căng thẳng là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi đối mặt với những tình huống khó khăn hoặc nguy hiểm. Khi căng thẳng xuất hiện, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone gọi là cortisol. Cortisol có tác dụng giúp cơ thể đối phó với căng thẳng, nhưng nếu nồng độ cortisol tăng cao kéo dài sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có tăng cân.


Cortisol kích thích cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm giàu calo và chất béo. Nó cũng làm giảm quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể đốt cháy ít calo hơn. Điều này dẫn đến việc tích tụ mỡ thừa, đặc biệt là ở vùng bụng.


Tăng cân do căng thẳng có thể dẫn đến thừa cân, béo phì. Thừa cân, béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng của nhiều bệnh mãn tính, bao gồm tim mạch, tiểu đường loại 2, đột quỵ và một số loại ung thư.


Nguồn: Theo Vnexpress


Medda- Sức khỏe trong tầm tay
Cung cấp giải pháp số giúp việc kết nối giữa bệnh nhân và chuyên gia, bác sĩ dễ dàng hơn bao giờ hết. Với mục tiêu cung cấp dịch vụ xóa bỏ mọi rào cản về khoảng cách địa lý, giúp người dân ở mọi vùng miền có thể tiếp cận được dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tốt nhất, hiện đại nhất. Medda tự tin góp phần tiết kiệm 50% thời gian và chi phí với chất lượng tương đương so với việc khám chữa bệnh truyền thống.
Hotline: 0853 999 115




Tác giả